ĐỂ CÁNH CHIM DẪN LỐI
Có quá nhiều người đã viết về những tố chất khiến ai đó khởi nghiệp thành công. Trong khi với tôi, tiếp xúc những doanh nhân trẻ trung và đầy khát vọng, tôi chỉ cảm nhận được một sự khác biệt lớn nhất với “phần còn lại”. Đó là khát khao tự do.
Tôi có nghe câu chuyện từ một người trong cuộc kể về một vài người bạn ở độ tuổi cuối 8X làm trong lĩnh vực khởi nghiệp từ dịch vụ ăn uống. Năm 2011, họ đã từng là những chàng trai, cô gái vừa mới ra trường, hừng hực khát khao. Sau một năm, nhóm 6 - 7 thành viên cùng nhau mở quán làm ăn chỉ còn 2 người trụ lại. Nhờ hợp tác với một số chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành, từ một quán café nhỏ ban đầu, 2 người đã tạo nên một chuỗi café khá tiếng tăm. Vài năm qua, mỗi người lại tách ra làm ăn trên các lĩnh vực khác, tiếp tục với những giấc mơ tuổi trẻ của mình. Song nhìn lại, sự phát triển nhanh mạnh ấy sẽ không thể có được, nếu cả 2 bỏ cuộc và trở thành người làm công như những người bạn trong nhóm ban đầu.
Bàn về câu chuyện “Khởi nghiệp hay đi làm công”, TS Alan Phan đã từng viết: “Nếu việc kiếm tiền là điều quan trọng nhất trong quan niệm sống, phải nhớ là cả hai con đường đều có thể mang đến sự giàu có mà bạn không hình dung nổi nếu thành công như mong muốn. Cái khác biệt chính yếu là sự tự do.”
Người trẻ nào cũng yêu tự do. Tự do suy nghĩ, tự do yêu đương, tự do học hành, tự do tài chính rồi tự do lập nghiệp, làm giàu,… Khuôn mặt của thần Tự Do có muôn hình muôn vẻ, mà có lẽ mặt nào cũng đẹp, cũng hấp dẫn, lôi cuốn và long lanh trong mắt những người tuổi trẻ. Thế nhưng để theo đuổi được tự do, đó là điều mà cả đôi khi một người phải lên kế hoạch cả đời, để mỗi ngày trôi qua đều là một ngày không hoài phí, những bước chân trên đường đều giúp ta tiến gần hơn đến đích.
Người làm công có cái tự do “trong khuôn khổ”, họ không dám bứt phá vì quá nhiều nỗi âu lo. Họ e ngại sự thay đổi đột ngột làm mất đi nguồn thu nhập, mất đi những cái vững bền, chắc chắn và an toàn mà một dòng tiền “vừa đủ” mang lại. Họ không có quá nhiều và sợ mất tất cả khi đưa mình vào canh bạc “khởi nghiệp” đầy nguy hiểm…
Và quả thực, những điều lo ngại ấy đều ít nhiều hợp lý. Nếu xét trên nhiều góc độ của một quá trình khởi nghiệp, ở giai đoạn nào, vị doanh nhân trẻ vừa sáng lập công ty chưa lâu ấy cũng có thể gặp những rủi ro to lớn, đến nỗi có thể trở thành tay trắng, mất tất cả. Người ta thường nói, có đến 97% công ty start up sẽ tàn lụi như những bông hoa sớm nở tối tàn chỉ sau 5 năm thành lập. 3% sống sót hẳn là con số khiến nhiều người thận trọng phải rụt rè.
Rất nhiều mất mát, quá nhiều hi sinh và cũng có bao phiền toái… so với làm công ăn lương, một việc làm nhàn tản và “ổn định”. Thế nhưng vì sao vẫn có biết bao người khởi nghiệp hàng ngày ở khắp nơi trên thế giới? Họ là những trí thức đã nung nấu suy nghĩ về một công nghệ đột phá. Họ là một chàng nông dân với tấm lòng tha thiết về hạt gạo sạch cho quê hương xứ sở. Hay họ là một công chức đã ngán ngẩm cảnh “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, tìm đến một hướng đi riêng?... Còn rất nhiều điều khác nữa để phác họa chân dung của họ. Song có lẽ tất cả đều giống nhau ở chỗ: họ là những tín đồ trung thành của thần Tự Do.
Cái khát vọng được làm một điều gì đó mang dấu ấn riêng mình, cho mình hoặc cho mọi người và được cộng đồng công nhận, đó là tiếng nói thầm thì của Tự Do. Từ tự do sáng tạo mở đường cho tự do tài chính, từ tự do tư duy, tự do học thuật gợi mở nên tự do kinh doanh, tự do khai phá những con đường mới, những vùng đất mới…
Hãy cứ để cánh chim tự do dẫn lối cho khởi nghiệp, chứ không phải một phép màu nào, hay một phong trào, một “hệ sinh thái” đủ đầy nào… Vì chờ đợi đến đủ đầy mới bắt đầu không phải là cách mà một doanh nhân thực thụ sẽ làm. Vì những cánh chim lớn chỉ mong đến ngày xổ lồng, thỏa thích vươn cao và vươn xa. Khám phá thế gian dài rộng với bao tầng mây cao dày tươi đẹp…
Bài viết được chia sẻ bởi Trang Miễn Phí
Link bài viết: ĐỂ CÁNH CHIM DẪN LỐI
Nhận xét
Đăng nhận xét