ĐỌC SÁCH GÌ MANG LẠI TRÍ TUỆ?

Tôi là một người thích đọc sách. Hôm qua dọn nhà, tôi mới biết mình có quá nhiều sách, mà toàn sách hay. Tôi lật mở từng cuốn, có cuốn đã sờn rách, có cuốn còn mới tinh đóng trong bọc ni lông (nghĩa là chưa đọc), có cuốn có gấp trang đang đọc dở... Có rất nhiều sách kinh tế (vì tôi học kinh tế), nhưng sau khi lướt qua 1 lượt, tôi biết chúng đã lỗi thời. Tôi gom tất cả các cuốn mà từ lâu lắm mình không lật mở, những cuốn mà tôi không thể áp dụng trong thời đại này, những cuốn mà cách đây mười mấy năm tôi nghĩ rằng kinh điển. Tất cả đều được bán ve chai.

Những cuốn còn lại là gì? Hầu như là sách về luyện tâm, lãnh đạo, phát triển bản thân, tâm thức giàu có. 90% sách này đều dịch từ nước ngoài, của các tác giả nổi tiếng, được nhiều người đọc và ca tụng, nói chung thuộc dạng Best-Seller.


2 câu hỏi đặt ra là:
1. Đọc sách có mang lại trí tuệ?
2. Nếu có, đọc sách gì mang lại trí tuệ?

Tôi biết trong group có rất nhiều bậc tiền bối, có nhiều người là tác giả sách, có nhiều người là kho sách di động, những cuốn từ điển sống... Tôi tôn trọng và học hỏi từ tất cả các anh chị và cả những người nhỏ tuổi hơn mình. Tôi đọc hầu hết các bài viết trên group, và tri ân những giá trị Kinh Nghiệm mà các tác giả đã mang lại thông qua bài viết của mình. Tôi chia sẻ câu trả lời của chính mình cho 2 câu hỏi ở trên, và mong các anh chị cùng góp ý.

Câu 1, đọc sách có mang lại trí tuệ không? Không. Trí tuệ là “Khả năng hiểu được một người ở tầng sâu nhất, và khả năng hiểu được xã hội ở tầng sâu nhất”. Muốn có khả năng này, phải thực hành, phải luyện tập, phải có ít nhất 10 ngàn giờ thực chiến.


Có thể thấy rất rõ 1 người đọc sách nấu ăn không thể biết nấu ăn ngon, 1 người đọc sách dạy bơi không thể bơi, 1 người đọc sách dạy võ thuật không thể giỏi võ thuật. Nếu họ không thực hành, thì mớ kiến thức mà họ nói thông qua việc đọc sách chỉ nghe hay tai mà không có thực. Và ai mà đụng vào là xảy ra tranh cãi, chia rẽ trường phái, lảm nhảm chửi nhau vì mấy ngôn từ trên sách. Mỗi cuốn sách đều quý giá nếu tác giả của nó thật sự đã trải qua việc luyện tập, và người đọc sách cũng luyện tập như thế.

Để tôi lấy thêm ví dụ, có mấy ai đọc sách dạy làm giàu mà tự nhiên trở nên giàu có và tự do? Ít lắm, người ta vẫn đổ mồ hôi sôi nước mắt, thậm chí thất bại nhiều lần. Có mấy ai đọc sách thánh hiền mà lại hiền như thánh? Có mấy ai đọc sách nghệ thuật chiến tranh, tài lãnh đạo, binh pháp đông tây kim cổ... mà lại trở nên điềm tĩnh lạ thường, luôn tràn đầy yêu thương? Tôi đã từng làm nghiên cứu sinh, và tôi biết ngay cả khi tôi có tấm bằng ấy, thì may ra cũng chỉ hơn được mấy em sinh viên vừa mới ra trường, về cái gọi là “đọc nhiều bài báo khoa học hơn”.

Rất nhiều anh chị ở group này đã từng khuyên “Đọc vài cuốn nhiều lần, chứ không đọc nhiều cuốn 1 lần”, trừ khi nghề nghiệp của họ liên quan đến sách. Đọc vài cuốn nhiều lần để tập trung thực hành, khi nào thực hành có kết quả không tốt thì giở sách ra đọc lại để xem mình chưa đúng chỗ nào. Nếu có kết quả tốt thì đọc lại để xem tầng sâu hơn mà tác giả muốn nói, hoặc làm điều mới hơn tác giả để thu được kết quả tốt hơn. Càng đọc càng thấy tầng sâu nghĩa là đang đi đúng hướng, và càng thực hành giỏi. Luyện 1 cú đá 1000 lần thì nguy hiểm hơn luyện 1000 cú đá 1 lần.

Nếu câu trả lời ở câu 1 là “KHÔNG”, thì câu hỏi thứ 2 có ý nghĩa gì nữa? Nhưng thực sự ở phần trả lời câu 1 đã hàm chứa câu 2. Đọc sách thực sự mang lại trí tuệ khi:


1. Chọn được sách để đọc. Tác giả phải là người thực chiến, đã đạt được những thành tựu, và trước đó từng thất bại chua cay. Các cuốn tiểu sử vĩ nhân là sách đáng đọc. Kinh Thánh là Tiểu sử của Giê Su, Tiểu sử Đức Phật, Mahatma Gandhi, Steve Jobs, Mẹ Teresa... (những người được nhắc đến đều vượt qua cảnh giới phân biệt tôn giáo nhé)

2. Viết lại ý chính để thực hành 1-2 điểm trong đó, có mục tiêu, kế hoạch, deadline, và đo lường kết quả. Có kế hoạch đọc lại sách. Thậm chí có cuốn cần được gối đầu giường, mang theo khắp nơi để đọc.

3. Đừng nói gì đến những kiến thức trong sách nếu chưa thực hành. Đừng dẫn chứng sách nếu chưa trải nghiệm. Đừng mang sách ra hù thiên hạ. Chỉ vài câu hỏi thôi là thiên hạ biết mình chẳng có trí tuệ chút nào, đừng nói đến kiểm tra kết quả, hay dẫn chứng số liệu...

4. Nếu được, hãy viết lại những điều trải nghiệm trong quá trình thực hành. Đó là bằng chứng cho thấy chúng ta đã đưa sách vào cuộc sống như thế nào. Trong kinh điển Phật Giáo có hàng ngàn cuốn sách do các đệ tử Phật viết ra từ những trải nghiệm của họ.

5. Thước đo của trí tuệ là khả năng hiểu người khác, hiểu xã hội ở tầng sâu nhất. Biểu hiện là yêu thương hơn, tĩnh lặng hơn, khiêm tốn hơn, thành thật hơn. Tầm nhìn và tính lãnh đạo tốt hơn. Nhiều người yêu mến mình hơn, mình cũng yêu người yêu đời hơn.
Chúc các bạn luôn kiên trì thực hành

Bài viết được chia sẻ bởi Trang Miễn Phí.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chia sẻ cách lấy backlink dofollow từ các tên miền của Google

THẾ NÀO LÀ GIAO TIẾP TỐT?

CHĂM SÓC VẾT THƯƠNG SAU MỔ